Hợp đồng ngoại thương – Khái niệm, đặc điểm và những LƯU Ý quan trọng trong quá trình ký kết
- 23/03/2016
- Posted by: Mạc Hữu Toàn
- Category: Chia sẻ kiến thức
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hay còn được gọi theo cách gọi truyền thống trước đây là hợp đồng mua bán ngoại thương hoặc hợp đồng xuất nhập khẩu là một trong những chứng từ quan trọng mà bất cứ người nào làm trong ngành Xuất nhập khẩu – Logistics cần phải nắm được rõ. Vậy hợp đồng ngoại thương là gì? Có vai trò cụ thể như thế nào? Cùng Toàn và MASIMEX – lớp học xuất nhập khẩu thực tế được yêu thích SỐ 1 hiện nay tìm hiểu trong bài viết này.
Hợp đồng mua bán ngoại thương là gì?
Định nghĩa hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Hiện nay, khi tìm kiếm trên mạng, bạn sẽ thấy ra rất nhiều kết quả khác nhau về định nghĩa của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, nhìn chung mình thấy các khái niệm đó vẫn còn khá sơ sài và chưa thể hiện rõ bản chất của loại hợp đồng này. Dưới đây là một định nghĩa mà theo mình là đầy đủ và rõ ràng nhất:
“Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế (có yếu tố nước ngoài)”.
Trước hết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải là một hợp đồng mua bán hàng hóa.
Theo Luật Thương mại Việt Nam 2005: “Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận theo đó người bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua và nhận thanh toán; người mua có nghĩa vụ thanh toán cho người bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận” (Điều 3, Khoản 8).
Và vì là hợp đồng mua bán hàng hóa nên nó sẽ có các đặc điểm sau:
- Chủ thể của hợp đồng: là người bán và người mua; họ có thể là thể nhân, pháp nhân và trong trường hợp đặc biệt có thể là Nhà nước
- Đối tượng của hợp đồng: phải là hàng hóa. Hàng hóa nếu hiểu theo nghĩa rộng có thể là bất động sản và động sản, tài sản hữu hình và tài sản vô hình hoặc các quyền tài sản. Tuy nhiên, theo Luật Thương mại Việt Nam 2005, hàng hóa chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là “tất cả các động sản, kể cả những động sản được hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai” (Điều 3, khoản 2)
- Nội dung của hợp đồng: là toàn bộ nghĩa vụ của các bên trong việc chuyển giao quyền sở hữu về hàng hóa, cũng như việc giao hàng cho người mua và thanh toán cho người bán
- Hình thức của hợp đồng: có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể
- Hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng song vụ, có bồi hoàn và là hợp đồng ước hẹn
Tuy nhiên, khác với hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế còn có tính chất quốc tế hay mang yếu tố nước ngoài. Nhưng điều quan trọng là tùy theo quan điểm của luật pháp các nước và theo các điều ước quốc tế khác nhau mà tính chất quốc tế của loại hợp đồng này lại không giống nhau:
- Theo Công ước La Haye 1964 về mua bán quốc tế những động sản hữu hình, tính chất quốc tế được hiểu là:
- Chủ thể ký kết là các bên có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau.
- Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng phải được chuyển và sẽ được chuyển từ nước này sang nước khác.
Như vậy, theo Công ước này, quốc tịch của các bên sẽ không có ý nghĩa trong việc xác định yếu tố nước ngoài của hợp đồng
- Theo Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, yếu tố nước ngoài được thể hiện ở việc quy định các bên tham gia ký kết có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau. Như vậy, cũng như La Haye, Công ước Viên không quan tâm đến vấn đề quốc tịch của các bên tham gia ký kết hợp đồng.
- Theo quy định của Việt Nam:
- Trong thời kỳ bao cấp, tại Quy chế tạm thời số 4794/TN-XNK, hướng dẫn về việc mua bán hợp đồng ngoại thương có quy định chủ thể của hợp đồng mua bán ngoại thương phải là các bên có quốc tịch khác nhau. Rõ ràng nó đã khác với yếu tố nước ngoài mà 2 công ước bên trên đưa ra.
- Sau này, trong Luật Thương mại 1997 cũng chỉ đưa ra khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài và đến Luật Thương mại 2005 không còn quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà chỉ quy định về mua bán hàng hóa quốc tế.
Tóm lại, cần phải nhớ rằng bản chất của hợp đồng ngoại thương vẫn là một hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường, chỉ khác là nó có thêm các tính chất quốc tế hay các yếu tố nước ngoài.
Ý nghĩa và tầm quan trọng của hợp đồng mua bán ngoại thương
- Hợp đồng ngoại thương là cơ sở pháp lý quy định quyền và nhiệm vụ của các bên trong quan hệ mua bán hàng hoá.
- Hợp đồng ngoại thương là công cụ pháp lý trung tâm của hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đồng thời là cơ sở để các bên ký kết các hợp đồng khác: Hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo lãnh…
- Hợp đồng ngoại thương là căn cứ để bảo vệ các nguồn và lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp xảy ra.
- Hợp đồng ngoại thương là cơ sở quan trọng của cơ quan nhà nước: Hải quan, cơ quan thuế… thực hiện các chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan.
Quy định và cơ sở pháp lý của hợp đồng mua bán ngoại thương
Theo nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế hiện nay, trong mua bán quốc tế, các bên hoàn toàn có quyền tự do thỏa thuận chọn nguồn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng của mình. Nguồn luật đó có thể là luật quốc gia, điều ước quốc tế, tập quán thương mại và thậm chí là cả án lệ.
Điều ước quốc tế
- Có hai loại điều ước quốc tế thương mại điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- Loại đầu tiên là những điều ước quốc tế mà đề ra những nguyên tắc pháp lý chung làm cơ sở cho hoạt động mua bán hàng hóa. Những điều ước này không điều chỉnh các vấn đề về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm cụ thể của các bên trong hợp đồng mua bán ngoại thương. Ví dụ: Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, Hiệp định GATT, …
- Loại còn lại là những điều ước quốc tế trực tiếp điều chỉnh những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng. Ví dụ: Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, …
- Giá trị pháp lý của Điều ước quốc tế
- Với những điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết hoặc thừa nhận, chúng có giá trị bắt buộc đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà không cần có sự thỏa thuận hoặc dẫn chiếu vào hợp đồng.
- Với những điều ước quốc tế mà nước ta không ký, chưa ký hoặc không thừa nhận thì không có giá trị bắt buộc đối với các bên. Muốn chúng trở thành nguồn luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì các bên phải dẫn chiếu chúng vào trong hợp đồng.
Luật quốc gia
Khi không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không đề cập đến một số quyền và nghĩa vụ nào đó của các bên, các chủ thể trong hợp đồng có thể dựa vào luật của một quốc gia nào đó để giải quyết.
Luật quốc gia sẽ được sử dụng cho hợp đồng mua bán ngoại thương khi:
- Các bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ngay từ lúc đàm phán, ký kết hợp đồng.
- Các bên thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng sau khi hợp đồng mua bán đã được ký kết.
- Khi luật đó được quy định trong các điều ước hữu quan mà quốc gia đó tham gia ký kết hoặc thừa nhận.
- Khi luật đó được trọng tài lựa chọn nếu các bên trong hợp đồng không thỏa thuận được với nhau về luật áp dụng.
Luật quốc gia được lựa chọn:
- Luật nước người bán.
- Luật nước người mua.
- Luật của nước thứ ba.
- Luật của bất cứ nước nào có mối liên quan với hợp đồng mua bán ngoại thương: Luật nơi ký kết, …
Tập quán thương mại quốc tế
Tập quán thương mại quốc tế là những thói quen thương mại được công nhận rộng rãi. Điều cần lưu ý là để những tập quán thương mại này điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên cần dẫn chiếu chúng vào hợp đồng một cách thật chi tiết, cụ thể.
Các loại hợp đồng mua bán ngoại thương
- Xét về thời gian thực hiện hợp đồng:
- Hợp đồng dài hạn: có thời gian thực hiện lâu dài và trong thời gian đó việc giao hàng được tiến hành làm nhiều lần.
- Hợp đồng ngắn hạn: thường được ký kết trong một thời gian tương đối ngắn và sau khi hai bên đã hoàn thành nghĩa vụ của mình thì quan hệ pháp lý giữa hai bên về hợp đồng đó cũng kết thúc.
- Xét về nghiệp vụ kinh doanh:
- Hợp đồng xuất nhập khẩu.
- Hợp đồng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập.
- Hợp đồng gia công.
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ.
- …
Hợp đồng ngoại thương gồm mấy phần? – Điều khoản trong hợp đồng mua bán ngoại thương
Bố cục của một hợp đồng ngoại thương
CONTRACT No … Place, Date … Between: Name: … Address: … Tel: … Fax: … Email: … And: Name: … Address: … Tel: … Fax: … Email: … The SELLER has agreed to sell and the BUYER has agreed to buy the commodity under the terms and conditions provided in this contract as follows: Art.1: Commodity: For the BUYER For the SELLER |
Điều khoản tên hàng
Trong thương mại quốc tế, người ta sử dụng những cách sau để biểu đạt tên hàng:
- Ghi tên thương mại của hàng hóa kèm theo tên thông thường và tên khoa học của nó.
- Ghi tên hàng kèm theo tên địa phương sản xuất ra hàng hóa đó.
- Ghi tên hàng kèm theo tên nhà sản xuất ra hàng đó.
- Ghi tên hàng kèm theo quy cách chính của hàng đó.
- Ghi tên hàng kèm theo công dụng của hàng đó.
- Ghi tên hàng kèm theo số hiệu hạng mục của hàng đó trong danh mục của Bảng phân loại và mã hóa hàng hóa (HS).
Thông thường để diễn đạt chính xác tên hàng, người ta có thể sử dụng nhiều cách trên kết hợp với nhau.
Xem thêm: “Mã HS Code“
Điều khoản số lượng
- Đơn vị tính số lượng:
- Hệ đo lường mét hệ: mm, cm, m2, g, kg, …
- Hệ đo lường Anh – Mỹ: inch, foot, grain, short ton, …
- Phương pháp quy định số lượng:
- Bên bán và bên mua quy định cụ thể số lượng hàng hóa giao dịch.
- Bên bán và bên mua quy định phỏng chừng về số lượng hàng hóa giao dịch: cho phép các bên giao nhận trong một khoảng chênh lệch nhất định, khoảng chênh lệch này gọi là dung sai trong hợp đồng ngoại thương.
Ví dụ: khoảng chừng (about), xấp xỉ (approximately), hơn hoặc kém (more or less), …
- Phương pháp xác định khối lượng:
- Khối lượng cả bì (gross weight)
- Khối lượng tịnh (net weight)
- Khối lượng thương mại: áp dụng cho những mặt hàng dễ bị hút ẩm
- Khối lượng lý thuyết: xác định khối lượng dựa vào tiêu chuẩn hóa của hàng
Điều khoản phẩm chất
Các phương pháp quy định phẩm chất
- Dựa vào mẫu hàng
- Dựa vào tiêu chuẩn hoặc phẩm cấp
- Dựa vào tài liệu kỹ thuật
- Dựa vào chỉ tiêu đại khái quen dùng
- Dựa vào hàm lượng của chất chủ yếu có trong hàng hóa
- Dựa vào số lượng thành phẩm thu được từ hàng hóa đó
- Dựa vào hiện trạng của hàng hóa đó
- Dựa vào sự xem hàng trước
- Dựa vào dung trọng của hàng hóa
- Dựa vào quy cách của sản phẩm
- Dựa vào nhãn hiệu hàng hóa
- Dựa vào mô tả hàng hóa
Điều khoản bao bì
- Phương pháp quy định chất lượng của bao bì
- Quy định cụ thể các yêu cầu về bao bì: vật liệu, hình thức, kích cỡ, đai nẹp của bao bì
- Quy định chung chung: quy định chất lượng bao bì phải phù hợp với một phương thức vận tải nào đó
- Phương pháp cung cấp bao bì
- Bên bán cung cấp bao bì, đồng thời với việc giao hàng cho bên mua
- Bên bán ứng trước bao bì để đóng gói hàng hóa nhưng sau khi nhận hàng bên mua phải trả lại bao bì
- Bên bán yêu cầu bên mua gửi bao bì trước để đóng gói, sau đó mới giao hàng
Điều khoản giá cả
- Đồng tiền tính giá
- Có thể là đồng tiền của nước xuất khẩu, nhập khẩu hoặc của nước thứ ba
- Tùy thuộc vào loại hàng hóa, tập quán mua bán, sức mua của đồng tiền và ý đồ của các bên
- Giá và Incoterms
- Trong hợp đồng cần ghi rõ điều kiện thương mại làm cơ sở cho việc xác định các chi phí có liên quan đến hàng hóa. Ví dụ: 300USD/MT FOB Hải Phòng Incoterms 2010
- Phương pháp quy định giá
- Giá cố định (Fixed price)
- Giá linh hoạt (Flexible price)
- Giá quy định sau
- Giá di động
Xem thêm: “Biểu thuế xuất nhập khẩu 2020“
Điều khoản giao hàng
- Thời hạn giao hàng
- Giao hàng có định kỳ: ví dụ giao vào một ngày cố định, …
- Giao hàng theo các thuật ngữ:
- Giao nhanh
- Giao ngay lập tức
- Giao càng sớm càng tốt
- Giao gấp
- Giao hàng không định kỳ:
- Giao hàng sau khi nhận được L/C
- Giao hàng khi nào nhận được giấy phép xuất khẩu
- Địa điểm giao hàng
- Một số quy định khác
- Giao hàng từng đợt
- Chuyển tải
- Vận đơn đến chậm được chấp nhận
Xem thêm: “Vận đơn đường biển“
Điều khoản thanh toán
- Đồng tiền thanh toán
- Có thể là đồng tiền nước xuất khẩu, nước nhập khẩu hoặc một nước thứ 3
- Tùy thuộc vào giá trị đồng tiền, mục đích của các bên
- Đồng tiền tính giá và đồng tiền thanh toán có thể khác nhau. Nếu khác nhau cần xác định tỷ giá quy đổi
- Thời hạn thanh toán
- Trả trước khi giao hàng
- Trả ngay sau khi nhận được hàng hóa hoặc chứng từ
- Trả sau
- Kết hợp trả trước một phần, trả ngay một phần và trả sau 1 phần
- Phương thức thanh toán
- Tiền mặt (Cash payment): CWO, COD, CAD, …
- Thanh toán không kèm chứng từ: Chuyển tiền, nhờ thu, …
- Thanh toán kèm chứng từ: tín dụng chứng từ
Xem thêm: “Các phương thức thanh toán trên tờ khai hải quan“
Điều khoản bảo hành
- Phạm vi bảo hành: tùy thuộc vào hàng hóa và sự thỏa thuận của các bên
- Thời hạn bảo hành: Tính kể từ khi giao hàng hoặc khi sử dụng hàng hóa
- Trách nhiệm của các bên
Điều khoản miễn trách/bất khả kháng
- Quy định các trường hợp được coi là bất khả kháng
- Cách 1: Liệt kê
- Cách 2: Quy định các trường hợp để được coi là bất khả kháng
- Cách 3: Kết hợp cả hai cách trên
- Quy định về trách nhiệm của các bên
- Quy định về cách giải quyết
- Kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng
- Miễn giảm một phần trách nhiệm khi thực hiện hợp đồng
- Hủy hợp đồng
Điều khoản khiếu nại
- Quy định thời hạn khiếu nại
- Phụ thuộc vào tính chất hàng hóa, mối quan hệ giữa các bên, khoảng cách địa lý hoặc tính chất vụ việc
- Có thể tính từ khi giao nhận hàng hóa hoặc khi đưa hàng hóa vào sử dụng
- Nếu không quy định thời hạn thì sẽ theo quy định của Luật Thương mại của các nước có liên quan
- Quy định về thể thức khiếu nại
- Quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên
- Quy định về cách thức giải quyết khiếu nại
Điều khoản trọng tài
- Quy định về địa điểm trọng tài
- Ở nước người nhập khẩu
- Ở nước người xuất khẩu
- Ở nước người thứ ba
- Quy định về thủ tục trọng tài
- Quy định về Luật áp dụng vào xét xử
- Quy định về việc chấp hành phán quyết của trọng tài
Điều khoản bảo hiểm
- Người mua bảo hiểm.
- Điều kiện bảo hiểm.
- Loại chứng thư bảo hiểm.
Quy trình ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương
Các bên có điều kiện trực tiếp gặp gỡ nhau
Khi đó, việc ký kết hợp đồng ngoại thương thường diễn ra tương đối đơn giản, dựa trên cơ sở các bên cùng đàm phán trực tiếp. Nếu các bên đã thống nhất tất cả các vấn đề đã nêu ra trong quá trình đàm phán thì hợp đồng được coi là đã ký kết kể từ khi các bên ký vào hợp đồng mua bán ngoại thương. Trong trường hợp này, địa điểm và thời gian ký kết hợp đồng sẽ là ngày và nơi hai bên cùng ký vào hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Các bên không có điều kiện trực tiếp gặp gỡ nhau
Khi đó hợp đồng sẽ được ký bằng cách gửi và trao đổi đề nghị ký kết hợp đồng (gửi chào hàng hoặc đặt hàng) và chấp nhận ký kết hợp đồng (chấp nhận chào hàng hoặc chấp nhận đặt hàng):
- Giai đoạn đề nghị ký kết hợp đồng.
- Giai đoạn chấp nhận đề nghị ký kết hợp đồng.
Một số vấn đề pháp lý phát sinh là cần xác định ngày và nơi ký kết đối với trường hợp hợp đồng được ký giữa những người ở xa, không có điều kiện gặp gỡ trực tiếp:
- Theo Công ước Viên 1980, Pháp, Việt Nam: Ngày ký kết hợp đồng được coi là ngày mà người đề nghị ký kết hợp đồng nhận được chấp nhận vô điều kiện đề nghị ký kết hợp đồng, nơi ký kết hợp đồng cũng là nơi nhận được chấp nhận vô điều kiện đó.
- Theo Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản: thời điểm ký kết hợp đồng được coi là ngày gửi đi chấp nhận ký kết hợp đồng, nơi ký kết hợp đồng cũng là nơi gửi đi chấp nhận ký kết hợp đồng.
Các lưu ý khi ký kết – soạn thảo hợp đồng mua bán ngoại thương
Lưu ý khi ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương
Các bên cần phải lưu ý một số vấn đề sau trong để tránh những rủi ro trong đàm phán, ký kết hợp đồng ngoại thương không đáng có:
Chủ thể của hợp đồng phải hợp pháp
Các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải có tư cách pháp lý thì việc ký kết mới có ý nghĩa.Tư cách pháp lý của các bên thể hiện ở việc cá nhân hoặc pháp nhân đó có năng lực pháp lý và năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, quy định liên quan đến việc xác định năng lực pháp lý và hành vi dân sự lại là khác nhau giữa các quốc gia. Do đó lưu ý đầu tiên đối với các bên khi ký kết hợp đồng là phải đảm bảo đối tác của mình có tư cách pháp lý khi ký kết hợp đồng.
Hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải hợp pháp
Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường có hai quan điểm:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được ký kết bằng miệng, bằng văn bản hoặc bằng bất cứ hình thức nào tùy các bên, người bán và người mua tự do thỏa thuận. Những nước theo quan điểm này hầu hết là những nước phương Tây, đặc biệt là những nước có nền kinh tế thị trường phát triển như Pháp, Anh
- Quan điểm thứ hai cho rằng hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được ký kết bằng văn bản. Những nước theo quan điểm này thường là những nước có nền kinh tế bao cấp phi thị trường đang chuyển đổi ví dụ như Việt Nam
Sự bất đồng về quan điểm này khiến cho Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đã phải công nhận cả hai điều khoản liên quan đến hình thức của hợp đồng.
Nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải hợp pháp
Khi nói đến tính hợp pháp về nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có cần lưu ý đến vấn đề sau:
- Vấn đề thứ nhất: nội dung hợp đồng phải hợp pháp nghĩa là hợp đồng đó phải có các điều khoản chủ yếu của hợp đồng và điều khoản chủ yếu của hợp đồng này cũng tùy thuộc vào từng luật khác nhau. Ví dụ như Việt Nam có 6 điều khoản được gọi là điều khoản chủ yếu của hợp đồng là tên hàng, số lượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, giao hàng và điều kiện giao hàng.
- Vấn đề thứ hai là ngoài các điều khoản chủ yếu nói trên, bất cứ một điều khoản nào khác được các bên đưa vào hợp đồng mua bán được gọi là các điều khoản khác, điều khoản thông thường (ví dụ điều khoản bao bì, ký mã hiệu, …). Cả hai điều khoản trên làm thành nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa đều phải hợp pháp, tức là phải phù hợp với quy định của Việt Nam.
Đối tượng – hàng hóa mua bán theo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế – phải hợp pháp
Các bên phải lưu ý rằng đối tượng khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa phải hợp pháp. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp không được phép mua bán quốc tế những mặt hàng bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Danh mục các mặt hàng này không bất biến mà thường thay đổi qua các năm, do đó các bên cần lưu ý khi ký kết phải kiểm tra lại thật kỹ đối tượng của hợp đồng.
Vi phạm hợp đồng mua bán ngoại thương?
Các yếu tố cấu thành trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- Bên vi phạm hợp đồng có hành vi trái pháp luật
- Bên vi phạm hợp đồng có lỗi
- Bên bị vi phạm hợp đồng có thiệt hại về tài sản
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của bên vi phạm hợp đồng với thiệt hại thực tế mà bên bị vi phạm phải gánh chịu
Các căn cứ miễn trách của bên bị vi phạm hợp đồng
Bên vi phạm hợp đồng sẽ được miễn trách nếu họ chứng minh được là họ đã gặp phải một trong các căn cứ miễn trách sau:
- Do lỗi của bên bị vi phạm
- Do lỗi của người thứ ba
- Gặp trường hợp bất ngờ
- Gặp trường hợp bất khả kháng
Chế độ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- Chế tài phạt vi phạm: Luật pháp của các nước đều cho phép bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền nhất định do vi phạm hợp đồng nếu như trong hợp đồng mua bán hoặc trong các văn bản liên quan có quy định mức phạt
- Chế tài buộc bồi thường thiệt hại: Nếu như các bên không quy định mức phạt trong hợp đồng thì khi xảy ra vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại. Muốn áp dụng chế tài này, bên bị vi phạm phải chứng minh được những thiệt hại thực tế mà mình gánh chịu. Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng: Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện. Bên vi phạm phải chịu chi phí tổn thất phát sinh
- Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng: là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng khi gặp một trong các trường hợp sau đây:
- Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng
- Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng
Khi hợp đồng bị tạm ngừng thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực
- Chế tài đình chỉ hợp đồng: Là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng
- Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng
Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh.
- Chế tài hủy bỏ hợp đồng: việc đưa ra chế tài hủy bỏ hợp đồng sẽ để lại một số hậu quả pháp lý nhất định. Cụ thể, khi hợp đồng bị hủy, hai bên sẽ trở lại trạng thái ban đầu: người bán trả lại tiền hàng cho người mua, người mua trả lại hàng cho người bán, mọi chi phí phát sinh do bên vi phạm chịu.
Các ví dụ về hợp đồng mua bán ngoại thương mẫu
Mẫu hợp đồng ngoại thương thanh toán bằng L/C
Mẫu hợp đồng gia công
Mẫu hợp đồng chuyển giao công nghệ
Trên đây là những kiến thức cơ bản về hợp đồng ngoại thương mà bạn nên nắm được và hiểu rõ, hy vọng bạn đã có thêm cho mình những kiến thức hữu ích về ngành Xuất nhập khẩu – Logistics.
Hãy tiếp tục theo dõi các bài viết mới nhất từ MASIMEX – lớp học xuất nhập khẩu thực tế được các thế hệ học viên review tốt hàng đầu hiện nay để cập nhật những tin tức, bài học thú vị.
Giám đốc công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu VnLogs với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành Xuất nhập khẩu & Logistics – CEO trung tâm đào tạo Masimex – Admin của group trên Facebook: Cộng đồng Xuất nhập khẩu và Logistics Việt Nam.
Giám đốc công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu VnLogs với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành Xuất nhập khẩu & Logistics – CEO trung tâm đào tạo Masimex – Admin của group trên Facebook: Cộng đồng Xuất nhập khẩu và Logistics Việt Nam.