Gia công quốc tế là gì? Có những hình thức nào?
- 23/03/2016
- Posted by: Mạc Hữu Toàn
- Category: Chia sẻ kiến thức

Gia công quốc tế là gì? Có bao nhiêu hình thức gia công quốc tế? Bài viết sau của trung tâm đào tạo nhân viên xuất nhập khẩu MASIMEX sẽ cho bạn cái nhìn toàn cảnh về gia công quốc tế – một phương thức giao dịch rất phổ biến hiện nay.
Khái niệm “Gia công quốc tế”
Gia công quốc tế là một phương thức giao dịch trong đó người đặt gia công cung cấp nguyên liệu, định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật, bên nhận gia công tổ chức sản xuất sau đó giao lại sản phẩm và được nhận một khoản tiền công tương đương với lượng lao động hao phí để làm ra sản phẩm đó, gọi là phí gia công. Gia công quốc tế là hoạt động xuất nhập khẩu gắn liền với sản xuất.
Gia công quốc tế ngày nay là phương thức giao dịch khá phổ biến trong buôn bán quốc tế của nhiều nước. Đối với bên đặt gia công, phương thức này giúp họ lợi dụng được giá rẻ về nguyên liệu phụ và nhân công của nước nhận gia công. Đối với bên nhận gia công, phương thức này giúp họ giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trong nước và có thể nhận được thiết bị hay công nghệ mới về nước mình, giúp họ phần nào trong công cuộc xây dựng nền công nghiệp. Đặc điểm của gia công quốc tế bao gồm:
- Quyền sở hữu hàng hoá không thay đổi từ bên đặt gia công sang bên nhận gia công (quyền sở hữu bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt – có nghĩa là có các quyền bán, cho, đổi).
- Hoạt động gia công được hưởng những ưu đãi về thuế, thủ tục xuất nhập khẩu. Ở Việt Nam hoạt động này được quản lý theo quy chế riêng.
- Tiền công tương đương với lượng lao động hao phí làm ra sản phẩm. Có người cho rằng hợp đồng gia công là một dạng của hợp đồng lao động. Trên thực tế khi ký các hợp đồng gia công quốc tế phía Việt Nam thường muốn tách riêng tiền công.

Các hình thức gia công quốc tế
Xét về mặt quyền sở hữu nguyên liệu
Gia công quốc tế có thể tiến hành theo những hình thức sau đây:
- Giao nguyên liệu thu sản phẩm và trả tiền gia công
- Mua đứt bán đoạn:
- Bên đặt gia công bán đứt nguyên liệu cho bên nhận gia công và sau thời gian sản xuất, chế tạo sẽ mua lại sản phẩm.
- Hình thức này có lợi cho bên đặt gia công vì khi giao nguyên liệu gia công bên đặt gia công dễ gặp phải rủi ro mất mát (chẳng hạn: mất trộm thành phẩm, hoả hoạn, bão lụt .v.v.), điểm lợi chính của phương thức này là bên đặt gia công không bị đọng vốn.
- Về vấn đề thanh toán tiền nguyên liệu, mặc dù bên nhận gia công phải thanh toán nhưng nguyên liệu chưa hẳn thuộc quyền sở hữu của hoàn toàn của họ vì khi tính tiền sản phẩm người ta thường tính lãi suất cho số tiền đã thanh toán cho bên đặt gia công khi mua nguyên liệu của họ. Do vậy về thực chất thì tiền thanh toán cho nguyên liệu chỉ là tiền ứng trước của bên nhận gia công và có thể coi là tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng. Bên nhận gia công không có quyền bán sản phẩm cho người khác.
- Thực tế cũng có trường hợp bên nhận gia công mua đứt nguyên liệu của bên đặt gia công và có quyền bán sản phẩm cho người khác. Trong trường hợp này thì quyền sở hữu nguyên liệu thay đổi từ người đặt sang người nhận gia công.
Ngoài ra người ta còn áp dụng một hình thức kết hợp trong đó bên đặt gia công chỉ giao nguyên liệu chính còn bên nhận gia công cung cấp nguyên liệu phụ.
Có thể bạn quan tâm: “Quy trình nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam (Dưới góc độ 1 doanh nghiệp NK)”
Xét về chi phí gia công
Người ta chia việc gia công thành hai hình thức:
- Hợp đồng thực chi, thực thanh: Chi bao nhiêu cho việc gia công thì thanh toán bấy nhiêu cộng thêm tiền thù lao gia công.
- Hợp đồng khoán gọn: Khoán luôn bao nhiêu tiền, xác định giá định mức (target price) cho mỗi sản phẩm, bao gồm chi phí định mức và thù lao định mức. Dù chi phí thực tế của bên nhận gia công là bao nhiêu đi nữa thì hai bên vẫn thanh toán với nhau theo giá định mức đó.
Ngoài ra người ta còn áp dụng phương pháp: tính giá theo công suất dự kiến
Xét về số bên tham gia
Người ta có hai loại gia công:
- Gia công hai bên: Trong đó chỉ có một bên đặt gia công và một bên nhận gia công
- Gia công nhiều bên (còn gọi là gia công chuyển tiếp): Trong đó bên nhận gia công là một số doanh nghiệp mà sản phẩm gia công của đơn vị trước là đối tượng gia công cuả đơn vị sau, và bên đặt gia công có thể chỉ có một và cũng có thể nhiều hơn một.
Hợp đồng gia công quốc tế
Về hợp đồng gia công quốc tế
Mối quan hệ giữa bên đặt gia công và bên nhận gia công được xác định trong hợp đồng gia công quốc tế. Trong quan hệ hợp đồng gia công quốc tế, bên nhận gia công chịu mọi chi phí và rủi ro của quá trình sản xuất gia công.
Hợp đồng gia công quốc tế cần phải có các điều khoản:
- Tên, địa chỉ các bên.
- Điều khoản về sản phẩm.
- Nguyên liệu.
- Định mức.
- Về máy móc thiết bị.
- Cách giải quyết đối với thiết bị và nguyên liệu thừa hay máy móc thiết bị gia công sau khi chấm dứt hợp đồng.
- Thời gian và địa điểm giao hàng.
- Giao gia công.
- Nhãn hiệu kiểu dáng sản phẩm.
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
Những lưu ý quan trọng trong hợp đồng gia công quốc tế
Về thành phẩm
Phải xác định cụ thể tên hàng, số lượng, phẩm chất quy cách đóng gói đối với sản phẩm được sản xuất ra.
Về nguyên liệu
- Nguyên liệu chính (fabric material): là nguyên liệu chủ yếu để làm nên sản phẩm. Nguyên liệu này thường do bên đặt gia công cung cấp.
- Nguyên liệu phụ (accessory material): có chức năng bổ sung làm hoàn chỉnh thành phẩm, thường do bên nhận gia công lo liệu.
Có thể bạn quan tâm: “Biểu thuế xuất nhập khẩu 2020“
Về giá cả gia công
Xác định các yếu tố tạo thành giá như: tiền thù lao gia công, chi phí nguyên liệu phụ, chi phí mà bên nhận gia công phải ứng trước trong quá trình tiếp nhận nguyên liệu.
Về nghiệm thu
Người ta phải thoả thuận về địa điểm nghiệm thu và chi phí nghiệm thu.
Về thanh toán
Có thể áp dụng nhiều phương thức thanh toán.
Đảm bảo thực hiện hợp đồng gia công
- Dùng bảo lãnh ngân hàng.
- Sử dụng thư tín dụng dự phòng (Standby Letter of Credit)
Loại L/C này có hiệu lực bằng thời gian hiệu lực của hợp đồng, nếu trong thời gian đó không giao hàng thì bên đặt gia công mang chứng từ giao nguyên liệu đến ngân hàng thanh toán tiền nguyên liệu. Nếu bên nhận giao hàng đủ thì L/C tự nhiên mất hiệu lực còn nếu giao thiếu thì L/C sẽ bị trừ phần giá trị thiếu.
Có thể bạn quan tâm: “Hợp đồng ngoại thương“
Trên đây là tổng quan kiến thức cơ bản về gia công quốc tế, hy vọng các bạn đã có thêm cho mình những thông tin hữu ích. Hãy tiếp tục theo dõi từ MASIMEX – lớp học xuất nhập khẩu thực tế được yêu thích hàng đầu hiện nay để cập nhật các chủ đề mới nhất về XNK – Logistics.
Giám đốc công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu VnLogs với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành Xuất nhập khẩu & Logistics – CEO trung tâm đào tạo Masimex – Admin của group trên Facebook: Cộng đồng Xuất nhập khẩu và Logistics Việt Nam.
Giám đốc công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu VnLogs với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành Xuất nhập khẩu & Logistics – CEO trung tâm đào tạo Masimex – Admin của group trên Facebook: Cộng đồng Xuất nhập khẩu và Logistics Việt Nam.